Car le Snark bel et bien était un Boujoum, figurez-vous. Je ne sus pas ce qu'il signifiait, alors: je ne suis pas ce qu'il signifie (Lewis Carroll)
vendredi 28 janvier 2011
mercredi 26 janvier 2011
Số phận con người trong tác phẩm "Le Boujoum" của Cung Giũ Nguyên
« … Một vật mong manh được giữ lại trên một vực thẳm nhờ những sợi dây vô hình của hy vọng ».
Đó là câu mở đầu và cũng là câu kết trong cuốn tiểu thuyết Le Boujoum (Thái Huyền[1]) (1980, 2002) của văn sỹ Cung Giũ Nguyên. Le Boujoum ra đời trong một hoàn cảnh hết sức lạ thường : tác giả người Việt gốc Hoa, Tác phẩm được viết bằng Pháp ngữ và được xuất bản tại Hoa kỳ. Nếu có ai đó nghiên cứu tác phẩm dưới khía cạnh xuất xứ thì chỉ cần lướt qua những yếu tố trên cũng đủ thấy được tính độc đáo của nó.
Thế còn Le Boujoum hay Thái Huyền nghĩa là gì ? Trong phương pháp phân tích tiểu thuyết, tựa đề của tác phẩm thường gợi cho ta cái nhìn tổng quát về nội dung mà tác giả muốn diễn đạt, dù đó là một câu truyện hoàn toàn hư cấu hay đó là một thực tế ở đời. Tựa đề Le Boujoum hay Thái Huyền một cách nào đó đã « vô tình » làm cho tác phẩm xa lạ với độc giả, vì nó là phạm trù không hiện hữu trong từ điển tiếng Pháp và tiếng Việt. Nếu như độc giả có hỏi từ đó nghĩa là gì thì cũng chỉ nhận được lời giải đáp vô thưởng vô phạt : « Đó là cái bạn đọc, cái bạn thấy ! »
« Đọc » Le Boujoum không giống như đọc Nhân tình thế thái (1931), Nợ văn chương (1934) hay Kẻ thừa tự của ông Nam Hải (Le Fils de la Baleine) (1956). Bởi vì ngôn ngữ của Le Boujoum là thứ ngôn ngữ đã được mã hóa mà độc giả cần phải có một thứ chìa khoá để giải mã từng từ từng câu trong mỗi trang của tiểu thuyết. Đó phải chăng là dụng ý của tác giả ? Đúng vậy, nếu cuộc đời của Amdo - nhân vật chính trong truyện - nổi trôi giữa những sự kiện, những bối cảnh nghịch lí khó hiểu và hầu như không thể giải thích được, thì ngôn ngữ của Le Boujoum là hình ảnh gợi cho người đọc cái trừu tượng và cái phi lý nơi mảnh đời phiêu dạt của nhân vật. Qua hình ảnh số phận Amdo, xin được ghi nhận một vài ý tưởng về thân phận con người nói chung mà rất có thể Cung Giũ Nguyên, qua Le Boujoum, muốn nhắn nhủ chúng ta hãy thức tỉnh nhìn lại chính mình trong một thế giới đầy nghịch lý và buồn tẻ. Vì con người luôn luôn bé nhỏ, yếu đuối so với cái « Huyền ».
Le Boujoum đương nhiên không phải là tác phẩm triết luận mà là một tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn nó dưới giác độ triết lý, chúng ta sẽ thấy nơi đó những nguyên lý thực tại về số phận con người và về bản căn của một thế giới vô thường, nơi mà cái « Huyền » là Tuyệt đối, là căn nguyên của mọi sự.
Về số phận con người, vấn đề này, xin không đi vào bàn luận sâu sắc các quan niệm khác nhau về số phận, hoặc tranh cãi có hay không cái gọi là số phận (le destin). Chỉ xin nhắc lại là, mỗi người có cách nhìn riêng về chính cuộc đời của mình. Đối với những người theo trường phái Khắc kỷ thì chính số phận dẫn con người đến cái chết không thể cưỡng lại được. Con người không có một thứ tự do nào cả, vì đã được ấn định vào một sinh mệnh và theo một nhân phẩm nào đó. Trước những biến cố xảy ra, dù lớn hay nhỏ, con người không thể vượt qua được. Như vậy, những ai nhìn cuộc đời như số phận đã định sẵn, họ chẳng cần cố gắng tìm cách để thay đổi cuộc sống mà chỉ chờ đợi cái chết như là cứu cánh của đời mình. Cách nhìn của triết học Hy Lạp cũng cho rằng số phận là sự sắp đặt vĩnh viễn, phi nhân cách, là quy luật của các biến cố trong cuộc sống mà ngay cả các thần linh cũng không thắng được. Vì vậy, mọi hy vọng thoát khỏi số phận đều vô nghĩa. Tuy nhiên, khác với phái Khắc Kỷ, triết lý Hy Lạp tin rằng trong chính cái số phận còn có một thứ « tự do ». Thứ tự do này có thể cho phép con người làm thay đổi các biến cố xảy đến, và trong một mức độ nào đó làm giảm nhẹ hậu qủa của chúng.
Trở về với Le Boujoum, hình ảnh Amdo là điển hình cho các nhân vị hiện hữu, anh ta đã chứng kiến được những đổi thay của chính mình trước những biến cố kinh hoàng khó hiểu trong những năm tháng phiêu dạt của đời mình : những đổi thay này biểu hiện trên cả chiều kích tâm lý lẫn thể lý. Sau biến cố động đất kinh hoàng xảy ra tại nơi anh làm việc - phỏng đoán hay tưởng tượng - Amdo sống trong cảnh lang thang và được gán cho cái tên là đại úy Bloke, chiến sĩ anh hùng của dân tộc « Củ Chàm » (Indigos). Chính cái cái tên Bloke này đã khiến Amdo trở thành một trong số dân « Củ Chàm » bị lính lê dương thuộc dân tộc « Củ Nghệ » (Safrans) bắt đi đày. Sống trong trại tù Feritaoun, Amdo đã làm quen với những tù nhân đấu tranh cho dân nghèo và lẽ công bình. Họ đã dệt nên tình huynh đệ thân tín, chia sẻ cơm áo và lý tưởng trong những lúc khó khăn. Sau những ngày gian khổ, Amdo được đưa về làm Triều thần bên cạnh Hoàng tử Đá Bọt (Pierre Ponce), tiếp theo trở thành Thượng thư Nội giám, và cuối cùng làm Tướng quốc của triều đình « Củ Nghệ », đỉnh cao của quyền uy và danh dự, để rồi cuối cùng lại hóa thành kẻ lang thang một mình giữa biển đời gian khổ. Một kiếp luân hồi !
Nêu lên những sự kiện trên để thấy rằng đó chỉ là một sự chuyển biến tâm lí trong một con người : « Là sự kế tiếp của những tình trạng này khác của tiềm thức, tiền thức, vô thức cá nhân, vô thức gia đình, vô thức cộng đồng, […], [và cuối cùng] tình trạng của ý thức »[2]. Sự manh nha của ý thức đã giúp con người tỉnh ngộ để suy gẫm về sự hiện hữu của mình. Tình trạng của ý thức cho thấy con người đang phải « đương đầu với vấn đề cuộc sống và cái chết ». « Con người ý thức » cũng đã nhận biết được rằng, cuộc sống là một « đầu mối luôn luôn phải có đối ứng tất yếu là đầu mối kia »[3], nghĩa là cái chết. Như vậy bánh xe duyên kiếp hay số phận không ngớt xoay vần từ đầu mối này sang đầu mối kia. Nó đã vần xoay trong chuỗi những biến cố kinh hoàng của Amdo. Với những kinh nghiệm chua xót từ những biến cố ác liệt, Amdo, con người ý thức, đã không tìm lối trốn thoát mà vẫn « ở lại » vị trí của mình để khẳng định niềm tin vào chính mình : « Và nếu phải trải qua một kinh nghiệm khác nữa, thì, mặc kệ, chẳng còn gì có thể làm tôi ngạc nhiên, dù đó là sự phối hợp giữa thiên đàng với địa ngục, […], kể cả sự ám ảnh của Thái Huyền, của điều cảm nhận mà không giải thích được, của bâng khuâng về ý nghĩa dệt bằng vô nghĩa » (Et s’il faut connaître une nouvelle expérience, eh bien, tant pis, rien ne me surprend plus, même le mariage du ciel et de l’enfer, […], même la hantise du Boujoum, de ce qui se sent et ne s’explique pas, de cette obsession du sens tissé de non-sens)[4].
Và như vậy, những nỗi kinh hoàng đã không còn là điều gây sợ hãi đối với Amdo nữa. Nhất là khi anh ý thức rằng : « (Con người) như một vật mong manh được giữ lại trên một vực thẳm nhờ những sợi dây vô hình của hy vọng … » ((L’homme) en tant que fragile objet, retenu au-dessus d’un gouffre, par les fils abstraits de l’espérance…)[5].
Hy vọng nơi đâu ? Hy vọng vào điều gì ? Và có lý do nào để hy vọng ? Đó cũng là những câu hỏi mà Amdo đã tự chất vấn mình để rồi đi tìm lời giải đáp phù hợp nhất. Lời giải đáp chỉ có thể tìm được trong chính thực tại giữa con người với nhau. Tình yêu và tình liên đới là những sợi dây hy vọng làm cho cuộc sống của anh có ý nghĩa hơn. Tình yêu của anh dành cho nàng Domicella biệt tích trở thành bất hủ, anh đã nhờ văn tự của Calame, một người bạn, để thổ lộ tình yêu đó. Tình huynh đệ được nhắc đến như một yếu tố vô cùng cần thiết. Vì chính nó đã giúp Amdo thoát khỏi những biến cố kinh hoàng và dẫn anh về miền ý thức. Ngoài Dani, Pergorain, Brogpa, Jubel thì Calame, anh chàng chắp bút, là bạn thân còn lại, đã làm thức tỉnh Amdo, kẻ bơi lội trong cánh đồng thất vọng và buồn tẻ vì thiếu sự đối thoại của con người.
Le Boujoum vừa là thứ ngôn ngữ diễn tả cái thực tại vừa là thứ ngôn ngữ của thế giới vô thường. Thực tại, vì nó nhắc đến những điều tất yếu trong cuộc sống con người : sự chiến đấu giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác ; nó cũng nói lên cái số phận của con người bị quên lãng và đang phập phồng lo sợ trong vực thẳm trần gian với những phấn đấu để tìm lại sự sống và tự do.
Thế giới vô thường, vì Le Boujoum gián tiếp nhắc nhở rằng : mọi sự của trần gian cần phải trở về đúng chỗ của chúng. Thực vậy, qua cảm nghiệm của cuộc đời, tác giả của Le Boujoum đã chứng kiến nhiều những phi lý, những huyền hoặc. Nhà văn đã cố gắng bình tĩnh tìm cách siêu thoát trong tâm hồn mình, để khám phá chân lý cuộc sống, cái mỏng manh của cuộc sống như sợi dây có hai đầu mối, cần có sự nâng đỡ của bàn tay vô hình là cái Huyền Tuyệt đối, là nguồn gốc và căn nguyên của mọi sự.
Như vậy, con người có thể xem các biến cố trong cuộc đời như là những bất ngờ phi lý hay như số phận mình gánh chịu. Nhưng cách nhìn đó chỉ có thể đến, hoặc từ con người vô thức, không phải « con người thật », hoặc từ con người tự phụ, kiêu căng. Hình ảnh « con người » như thế đã biểu hiện rõ nhất khi Amdo có địa vị và quyền lực trong tay, điều dẫn đến sự từ chối tình huynh đệ và cuối cùng là sự giết hại chính những người bạn thân của mình. Nhưng trên hết mọi sự, khi « con người ý thức » trỗi dậy, Amdo đã biết mình là ai, biết nhìn nhận những hành động của mình để phấn đấu trở về đúng với « vị trí » và nguồn gốc của mình./.
[1] Thái huyền, trang XII.
[2] Le Boujoum, trang 11.
[3] Ibid., trang 653.
[4] Ibid. trang 654.
Phạm Văn Quang (ĐH KHXH-NV HCM.)
NGÀN ĐỜI NHỚ ANH
NGÀN ĐỜI NHỚ ANH
::: Cung Giũ Nguyên :::
Ngày thứ bảy ấy, mẹ tôi đưa tôi ra xe hỏa để trở về Ngọan Mục. Mặc dầu có lời khuyên bảo của bác sĩ chuyên môn, tôi biết tôi đã vĩnh viễn đi vào cuộc đời mới, đời của kẻ mù lòa. Thôi, hy vọng của tôi học cho hết mấy năm đại học để có chút danh phận hay để làm nên một sự nghiệp, hy vọng của tôi cũng như của mẹ tôi đã tiêu tan mất, như những màu sắc cuối cùng tôi thấy một buổi sáng nơi bờ biển Vũng Tàu, rực rỡ một hồi rồi biến thành một màu xám đen, mãi mãi xám đen.
Ba tháng nằm ở bệnh viện không thay đổi được tình trạng. Tôi có thể hiểu xuyên qua lời giải thích của nhà chuyên môn, nào nguyên nhân nào biến trạng, nhưng tôi không thể chấp nhận hiện tại đau đớn và tuyệt vọng, vì hiện tại ấy là của tôi. Bạn hữu thăm viếng tôi, an ủi tôi với những mẫu đời tươi đẹp và can đảm của những người mù danh tiếng như cô Helen Keller hay chàng ca sĩ da đen Ray Charles, nhưng tôi không phải là họ. Tôi chỉ là một đứa con gái hai mươi hai tuổi, con duy nhất của một góa phụ sống về nghề rau quả ở một làng nhỏ ở Cao Nguyên, không có biệt tài nào, không có phương tiện nào để vạch một con đường đời khác những bạn đồng lứa, đồng thời, với tôi. Lớn lên phải đi học, học phải lên lớp, đến lớp cuối phải thi và thi cho đậu, thi đậu lại tiếp tục học, học để rồi mù, để trở thành gánh nặng cho những người chung quanh phải lo cho mình mọi sự.
Một Dì phước trong bệnh viện đã khuyên tôi hảy tìm Chúa, hảy cầu nguyện Chúa cho lại ánh sáng. Nhưng từ xưa nay, tôi chẳng biết đến Thượng Đế nào, tôi đã trả lời với Dì phước là tôi thấy hổ thẹn phải cầu xin một Đấng mà tôi đã không có cơ hội phụng thờ. Chúa là của Dì, nếu Dì muốn, Dì cứ cầu xin cho tôi. Người nữ tu đành đáp lại một cách nhẫn nhịn : " Chúa là Chúa chung cho tất cả, của những ai đã tin cũng như của những người không biết hay chống lại Chúa nữa. Nhưng tôi sẽ không quên cầu xin cho Chị, Chị đừng ngã lòng, hảy về tịnh dưỡng một thời gian đi?
Xe hỏa đến ga Cầu Bảo một buổi trưa nóng gay gắt, Tôi nhận ra những khoảng trống mặt trời chiếu trên đầu tôi, cho đến khi mẹ tôi dìu tôi vào phòng đợi của nhà ga. Chúng tôi phải sang xe, nhưng xe đi Ngoạn Mục nửa giờ nữa mới có. Chuyến tàu của chúng tôi đi từ Saigon đã rời khỏi nhà ga, tiếp tục con đường ra Nha Trang, Những tiếng ồn trong phòng đợi đã bớt đi, nhưng lại có tiếng xì xào của những hành khách đi Dalat như chúng tôi. Tàu không có. Đường bị hỏng. Chuyến tàu bị hủy bỏ. Tôi hỏi mẹ tôi. Có tiếng lễ phép của một người đàn ông xác nhận không có tàu lên ; đường móc sắt phía trên Krongpha hư. Có lẽ một hai ngày nữa mới sửa xong. Tôi không còn nghe tiếng người lạ ấy nữa.
Mẹ tôi bàn với tôi xuống Phan Rang ở lại một hai bữa hay là thuê xe hơi về Ngoạn Mục. Cả hai giải đáp không mấy thuận lợi. Với bệnh tật của tôi, tôi nghĩ đến bao phiền phức gây thêm cho mẹ tôi. Đợi tàu nơi phòng khách nầy cho đến khi nào không biết, cũng chẳng phải một lối thoát êm ả. Chúng tôi đang còn phân vân thì có tiếng giày bước đến gần chúng tôi, và giọng nói êm ái, trẻ trung, lịch sự, của người đàn ông khi hồi, cất lên một cách thiện cảm: " Tôi có xe đi lên, nếu quý bà cần đi gấp, xin mời đi. - Cám ơn thầy, mẹ tôi nói, nhờ thầy cho mẹ con tôi quá giang, chúng tôi sẽ xin trả tiền. - Thưa không, xe nhà, chỉ có mình tôi lên, rộng chổ, và không có vấn đề tiền nong gì cả. Các bà ở đường phố nào trên Dalat ? - Chúng tôi không ở trên ấy, nhà chúng tôi ở Ngoạn Mục. Đây là con gái tôi, học ở Saigon nhưng phải về dưỡng bệnh." Người đàn ông có lẽ đã cúi xuống để xách cái va-ly cho mẹ tôi, và có lẽ thấy tay tôi đang quơ quào tìm hành lý nhỏ để bên cạnh, đã biết kính đen của tôi che đậy bệnh tật gì. Tay người đã đỡ cái xách và đặt vào tay tôi.
Xe chạy khỏi cầu Tân Mỹ, khí trời trở nên dễ chiụ. Tôi ngồi ghế sau với hành lý. Mẹ tôi ngồi bên cạnh người lái xe. Thỉnh thoảng, mẹ tôi ngoảnh lại để đưa cho tôi nước uống, những múi cam bóc sẵn của người lạ mời. Mẹ tôi đã trò chuyện nhiều với chủ xe. Tôi thoáng hiểu người ấy chừng ba mươi tuổi, có một hiệu sách Nam Đồng, gần chợ Dalat. Ông ta chỉ vì thích đọc sách mà trở thành người bán sách, chưa có gia đình, không cha mẹ anh em, sống một mình, khi nào cao hứng thì đóng cửa hiệu để đi du ngoạn hay vào rừng kiếm phong lan. Mẹ tôi nắm lấy cơ hội, nói có một số hoa, không ai săn sóc, sẽ biếu ông.
Đến Ngoạn Mục, mẹ tôi chỉ đường cho ông Nam Đồng rẽ vào vườn nhỏ bé của chúng tôi. Miễn cưỡng lắm, ông mới bằng lòng vào nhà, để chúng kiến cảnh vú già tôi ôm choàng tôi khóc lóc thảm thiết. Hình như ông Nam Đồng chịu uống một tách nước trà nóng, nhận một đôi phong lan, đi quanh vườn rau để thấy công việc làm ăn của mẹ tôi. Trở vào nhà, ông đã nói đôi lời trước khi mẹ tôi tiễn ông ra cổng. Rồi tiếng máy nổ và xe chạy. Tôi trở lại đời yên tĩnh và âm u của tôi.
Mãi gần một năm sau, tôi mới có dịp nghe lại tiếng nói của ông Nam Đồng. Ông đến cùng vài người đứng tuổi, bà con gì với ông ấy, không chỉ để thăm mẹ con tôi, mà đến để bàn một chuyện chúng tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi vẫn mù lòa, đã quen thuộc khung cảnh, tôi không thấy khó chịu gì lắm khi đi đứng, di chuyển. Tôi làm được đôi việc để giải khuây hơn là giúp đở mẹ tôi hay vú già. Một người cậu của tôi đã cho tôi một máy hát và rất nhiều đĩa hát ; nghe âm nhạc cổ kim là giải trí thường xuyên của tôi. Mấy bạn học của tôi đã cho tôi một con chó xù, nó là bạn duy nhất luôn luôn bên cạnh tôi. Thế mà ông Nam Đồng lại có ý xin cưới tôi làm vợ. Mẹ tôi cảm động, hỏi ý kiến tôi. Tôi từ chối, và mẹ tôi cũng đồng ý với tôi như vậy. Ngoài những lý do riêng của mẹ, riêng của tôi, hai mẹ con tuy không nói thẳng ra, không muốn để cho một người nào khác, chẳng tội tình gì, phải đến chịu gánh nặng săn sóc một người bệnh tật suốt đời. Tôi còn nhớ lời từ khước của mẹ tôi : " Xin cám ơn ông bà, cám ơn cậu, con tôi bệnh hoạn. Tôi cầu Trời khẩn Phật cho cháu chóng lành để sống được một đời bình thường. Bây giờ thì không thể nghĩ đến chuyện cưới gã được." Lại những tiếng thì thầm nơi cửa, và tiếng nhiều chiếc xe chạy từ từ. Đứng nơi cửa sổ, tôi đưa mặt ra phía đường để tưởng tượng hình ảnh những chiếc xe lăn sau hàng cây mơ.
Trời Phật đã thương mẹ tôi nhiều hơn tôi. Mùa thu năm ấy, mẹ tôi từ trần sau những cơn sốt liên miên. Ở nơi hẻo lánh, vì không gần thầy thuốc, vì mẹ tôi quá tin nơi thuốc cổ truyền và số mạng, mẹ đã bỏ tôi lại bơ vơ với vú già và một đôi vợ chồng giúp việc nơi vườn rau. Tôi đã hết nước mắt để khóc. Không ai có thể thấy vực thẳm đau khổ của tôi xuyên qua cặp kính đen, với đôi mí mắt luôn luôn nhắm kín. Cậu tôi và một số thân thuộc được tin đã đến lo việc chôn cất và khuyên tôi về ở với họ chốn An Xuyên là quê hương của cha tôi. Tôi không muốn đi đâu nữa. Dời đến nơi nào, vũ trụ tôi cũng chỉ là một vũ trụ nhỏ bé trong màn đêm. Nơi nhà mẹ tôi, tôi đã quen thuộc những tín hiệu của âm thanh, của mùi hương và thể vật ; chúng đã trở thành một quyển sách phong phú tôi dùng được và tìm ra được ít nhiều hứng thú. Tôi nhớ câu chuyện người mù của thi sĩ Lamartine nhắc lại trong hồi ký : "Tôi thấy tiếng kêu của sơn ca buổi sáng, tôi thấy tiếng hót của họa mi buổi chiều?" Tôi cũng có một kinh nghiệm tương tự, hình ảnh nơi đây đã trang điểm cái nhìn bên trong của tôi rồi. Dời đi nơi khác lại cần một thời gian để thích nghi những phản ứng mà tôi xét không còn can đảm và kiên nhẫn để vượt lên những khó khăn nửa. Vú già sẽ tiếp tục bảo bọc tôi, và vợ chồng người trông nom vườn cũng hứa tiếp tục đảm đương mọi sự như có mẹ tôi vậy. Đời sống vật chất không thay đổi gì mấy, nhưng vắng mẹ tôi, tôi cảm thấy đến mấy lần mồ côi.
Khoảng mười ngày sau lễ an táng mẹ tôi, vú già cho biết có ông Nam Đồng đến. Tôi chẳng hiểu những gì trong thâm tâm tôi đã khiến khi gặp lại ông Nam Đồng, người tôi thường gọi là "ông ", tôi bỗng gọi "anh". Cảm xúc của anh không kém. Lần đầu tiên anh cầm tay tôi, vừa an ủi tôi, vừa hỏi về những ngày cuối của mẹ tôi, và những dự định tương lai của tôi. Vú già vui mừng không kém tôi khi mời được anh ấy ở lại dùng cơm trưa. Và anh đã nhận như thể là một cử chì từ tâm, muốn cho tôi cảm thấy bớt hiu quạnh, dù cho chỉ là trong một khoảnh khắc. Nhưng rời khoảnh thời gian ấy có thể nối dài. Anh đã nhắc lại lời ước vọng năm trước, và lần nầy, cũng chẳng hiểu vì sao, tôi lại bằng lòng. Gánh nặng bây giờ trở nên quá lớn cho vai tôi, tôi cần người phụ lực. Nhưng tôi không muốn ràng buộc anh, hoặc tôi khiếp sợ một cảnh đổ vỡ thê thảm có thể xẩy ra sau nầy. Tôi chỉ bằng lòng làm người bạn của anh mà thôi với một số điều kiện. Anh chấp nhận không phải để lấy rồi, mà với sự hiểu biết chín chắn và thành thật.
Quyết định của tôi xẩy ra đồng thời với cuộc chinh chiến. Khói lửa đã lan rộng trên đất nước. Cho đến nơi Ngoạn Mục hiền lành, mùi bom đạn cũng không tha. Bây giờ tôi mừng có anh tôi bên cạnh. Anh đã dẹp bỏ hiệu buôn ; những sách vở anh thích đọc, những vật kỷ niệm anh quyến luyến, anh đã chở trên cái xe xưa, đem về nhà tôi. Anh đã tu sửa lại phòng của mẹ tôi bên cạnh phòng tôi, để ở riêng biệt. Anh đã tôn trọng lời hứa, suốt bao nhiêu ngày tháng sống bên tôi, anh chẳng có lời nói, cử chỉ nào vượt qua biên giới chúng tôi đã vạch định. Những chiều lạnh, cùng ngồi cânh lò sưỡi, anh xem sách, tôi đan áo, tôi nghĩvà mơ ước anh sẽ đến đặt tay trên vai tôi để cho cảm giác gần nhau hơn nữa. Nhưng anh đối xử với tôi như người em gái. Chỉ trong công việc nhà, trông nom vườn rau, trồng thêm hoa quả, giao thiệp với bạn hàng, anh đóng vai trò gia trưởng có trách nhiệm. Đối với vú già, đối với những người giúp việc hay các gia đình lân cận, anh là chồng chính thức của tôi.
Một buổi sáng, cũng như thường ngày, anh dậy thật sớm. Tôi nhận ra những tiếng động ở phòng bên cạnh, đến phòng bên ngoài. Anh sửa soạn bình tách, pha cà phê, uống một chén, rồi để sẵn phần của tôi trên bàn trước khi rời khỏi nhà. Hôm ấy anh phải đi xem những xe đến chở bắp cải. Nhà vắng tanh, vú già đi chợ. Tôi làm biếng thu gọn mình trong mền ấm, nằm mãi trên giường, vừa nghe nhạc và mơ mộng. Có tiếng chó sủa. Có người làm gì với chó đến nỗi chó không sủa nữa. Những tiếng đi thình thịch vào nhà làm rung rinh thềm ván. Có lẽ anh có việc gì về gấp. Tiếng bước đến gần. Cửa phòng tôi không gài được đẩy ra. Có phải anh không ? Anh cần gì ? Chẳng có tiếng đáp. Tôi vùng dậy Có cánh tay đàn ông choàng lấy thân tôi. Anh làm gì thế ? Đừng ! Sao anh quên lời hứa ? Em sợ lắm. Đừng, anh ! - Có gì đâu mà sợ ? Tiếng nói kinh dị. Hơi thở lạ lùng. Một bàn tay thô kệch và hung hãn như chân của thú dữ. Tôi biết không phải anh tôi rồi. Tôi kêu thất thanh : Ông là ai ? Đồ vô loại ! Vú già ơi ! Cứu tôi, làng xóm ơi ! Anh Nam Đồng ơi Tôi tưởng tôi sắp chết. Tôi vẩy vùng để thoát vòng tay của tên võ phu. Tôi dùng răng, dùng móng tay để câu xé nhưng tên khốn nạn không buông tha. Một cái miệng nặc cả mùi rượu, thuốc lá và răng thối, chà trên má tôi. Nó muốn vật tôi lên giường, tôi nhào lăn xuống sàng đồ đạc bên cạnh giường đổ tung. Tôi nhớ đến cái đồng hồ reo, vờ lấy quăng vào con thú. Đồng hồ đập nát một cửa kính. Tôi muốn lao ra cửa sổ. Tay nó níu chặt tôi lại. Tôi cố la lên cầu cứu. Tôi sắp ngất xỉu.
Có tiếng chạy thình thịch bên ngoài. Cánh cửa bị đạp tung rất mạnh. Tay kẻ dữ đã thả tôi. Có tiếng thét lên, lúc đầu tôi không nhận ra tiếng của anh tôi. Mày làm gì trong nhà nầy ? Tiếng thét đầu tiên vang dội, tiếp đến là tiếng ẩu đả. Có những va chạm dữ dội của cây gổ trên thân hình, trên bàn ghế. Tôi không thể biết ai đang đánh ai, không biết ai chịu những đòn nặng. Tôi không có mắt để giúp anh tôi. Tôi sợ anh tôi bị tên võ phu giết chết. Tôi lần đến cửa sổ kêu vú già, kêu người giúp việc, kêu làng xóm. Hai người đã xô đẩy nhau ra khỏi phòng, rồi ra khỏi nhà. Những bước chạy thình thịch một chốc rồi tan dần. Có tiếng xe chạy.Một chốc yên lặng kinh hoàng. Tôi đã không còn kêu la được và cũng không thở mạnh được. Tôi lần ra khỏi phòng, không dám gọi, phập phồng trước điều không thể thấy và không thể đoán. Tôi không còn sức để đứng tựa nơi vách tường, tôi đã ngã quỵ xuống.
Nhưng anh tôi, chứ không phải kẻ võ phu, đã trở về và từ xa đã lên tiếng để yên lòng tôi. Anh xin lỗi em. Từ nay anh không để em một mình nữa. Anh ôm tôi, đở tôi dậy. Tôi đưa tay rờ nới má anh, một má ẩm ướt không biết vì mồ hôi hay máu, nước mắt hay nước mưa. Anh cúi đầu xuống và, lần đầu tiên, sau mấy năm quen biết và sống chung, tôi có cảm giác sung sướng lạ lùng khi môi tôi gặp được môi anh.
Phòng của tôi hư nát cả. Anh biểu tôi, trong khi chờ sửa lại cho xong, tôi qua ở tạm bên phòng anh. Nhưng trong ý tôi, không còn chữ tạm nữa. Chính tôi phá trước lời giao hẹn bao nhiêu dè dặt và lo ngại của tôi không thể còn nữa. Từ nay tôi sẽ mãi mãi với anh và của anh.
Phải chi chuyện đời tôi chấm dứt nơi đây. Phải chi thời gian dừng lại để cho hạnh phúc của tôi có trong mấy tháng sau đó, được kéo dài vĩnh viễn. Không. Hãy đem cho tôi tất cả những khăn tang trên đời để thắm cho hết nước mắt của tôi. Anh tôi không phải là chiến sĩ nhưng chiến tranh cũng tìm đến anh tôi. Trong lúc anh lái xe lên Cầu Đất. Anh đã đi sớm để về sớm, không để tôi một mình lâu , với vú già. Xe anh đã đạp phải mìn.
Không ai cho phép tôi động đến xác của anh. Tôi đoán chừng lý do là xác anh không còn toàn vẹn, cũng như chiếc xe của anh. Thứ bảy năm nào đó, mới năm nào đó, chiếc xe ấy, và anh ấy, đã đưa mẹ con tôi từ ga Cầu Bảo về. Có phải nước mắt tôi, linh nghiệm hơn bao nhiêu thứ thuốc tôi đã phải uống. Hay có lẽ nào nhờ những lời của Dì phước ở Bệnh viện Mắt hứa cầu xin cho tôi, với Thượng Đế của Dì ? Một buổi sáng mùa Xuân, trùng với mùa Phục Sinh, tôi ngạc nhiên thấy được điểm sáng nhỏ, điểm sáng lớn lần. Tôi hét lên một tiếng vui làm cho vú già tôi tưởng một thảm họa khác đã đến với tôi. Tôi thấy rồi. Tôi thấy rồi, vú ơi. Tôi chưa thấy rõ ràng vú. Nhưng điểm ánh sáng đưa cho tôi hy vọng bệnh lòa của tôi dần dần sẽ hết. Quả thật, mấy tuần sau nữa, tôi đã nhận ra những hình vật, khám phá khung cảnh tôi sống, tôi nhìn thấy được hình dáng và màu sắc của những hoa đào ngoài sân, nhìn thấy tất cả chi tiết phòng hạnh phúc ngắn ngủi của tôi nay phải mãi mãi vắng bóng chồng.
Ánh sáng đã trở lại với tôi, để thay anh, cho tôi khỏi sống dưới sự đe dọa thường xuyên của kẻ võ phu. Hôm ấy, tôi đã hỏi anh tôi có biết tên nào đã tấn công tôi. Anh đã trả lời một cách thãn nhiên : Em cần gì biết đến lai lịch của một thứ đê tiện. Nó không phải một, nó là nhiều, nó cả một loài, cả từng giống, căn cước của nó là võ lực, cưỡng bức, bạo tàn, sát nhân. Và hình bóng chúng cái nào cũng giống cái nào, biết được một, là biết tất cả. Vì chúng cùng chung một thái độ, một thứ hành vi thất đức. Chúng có từ khi tạo thiên lập địa và sẽ còn mãi mãi trên quả đất nầy. Thứ cặn bả của nhân loại ấy xuất hiện khi nào xã hội suy đồi, cũng như những vật và con thú bẩn trủi lên bờ biển khi nước sạch rút đi xa.
Với cặp mắt tìm lại được, tôi sẽ biết nhận dạng để đề phòng, để tự vệ. Nhưng anh ? Tôi tiếc đến khi thấy đươc cảnh, vật và người chung quanh tôi, tôi không còn có được mặt anh để chiêm ngắm, để nhìn cho tường tận, để đối chiếu với hình ảnh tôi chỉ có bấy lâu nay trong trí tưởng tượng. Tôi tìm mãi trong nhà một giấy tờ nào về anh đễ biết anh một cách đầy đủ hơn nữa. Tôi không biết tên thật anh là gì, Nam Đồng chỉ là một hiệu bán sách. Tôi không có được một tấm hình của anh để thờ phụng. Có lẽ anh không còn nghĩ đến việc chụp hình khi vợ mình đã mù lòa. Anh chân tình và thâm tình đến thế. Anh kín đáo đến nỗi chỉ xuất hiện và sống bên cạnh tôi khoảng thời gian tôi cần ánh sáng và sự che chở của anh mà thôi. Anh chết đi nhưng vẫn còn nói với tôi biết bao nhiêu điều. Anh không để lại hình ảnh nào, nhưng tôi đã thấy anh, thấy một phần khuôn mặt anh nơi bất cứ đâu có lời nói dịu hiền, nơi bất cứ đâu có hành vi đượm tình thương vô vụ lợi ngọt ngào. Anh. Anh người tôi yêu kính. Ngàn đời em sẽ nhớ anh.
Inscription à :
Articles (Atom)